Tổng thống đắc cử Donald Trump dự kiến sẽ phát động một cuộc tấn công toàn diện vào cái gọi là “chính phủ ngầm” ở Mỹ. Khái niệm “chính phủ ngầm” mà ông và một số nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa khác đề cập đến là một mạng lưới các quan chức hoạt động bí mật, bao gồm các quan chức của FBI và CIA, hợp tác với các thực thể tư nhân và các lực lượng nước ngoài. Họ bị cáo buộc hoạt động song song và vượt qua cả chính phủ được bầu cử dân chủ. Văn hóa đại chúng mô tả “nhà nước ngầm” như một lực lượng kiểm soát thực sự và bất khả xâm phạm trong chính quyền, bất kể những thay đổi về mặt chính trị. Tuy nhiên, trong các diễn đàn chính thống, khái niệm này thường bị xem như một thuyết âm mưu.
Sau khi Tổng thống Joe Biden quyết định không tái tranh cử và ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris làm ứng cử viên của Đảng Dân chủ, cựu nghị sĩ Đảng Dân chủ Tulsi Gabbard đã chuyển sang Đảng Cộng hòa và tuyên bố ủng hộ ông Trump. Theo Economist, Đảng Cộng hòa cho rằng chính Đảng Dân chủ cũng đang bị “chính phủ ngầm” chi phối.
Trump hứa “rút cạn đầm lầy ở Washington”
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time, Trump đã đề cập đến kế hoạch giải tán “chính phủ ngầm”: “Điều đó có nghĩa là loại bỏ những người không đủ năng lực trong chính phủ. Chúng tôi sẽ quản lý nguồn nhân lực như cách điều hành doanh nghiệp. Khi mua một công ty, việc đầu tiên là đánh giá nhân viên. Chúng tôi muốn loại bỏ những người không phù hợp - và có quá nhiều người như vậy.”
Trong một buổi vận động tranh cử vào tháng 9, Trump tuyên bố sẽ tái cơ cấu bộ máy liên bang, bao gồm giải tán Bộ Giáo dục, tổ chức lại Bộ Tư pháp và sa thải các công chức không đáp ứng kỳ vọng của ông. Nhiệm kỳ đầu của Trump gặp nhiều cản trở từ các nhà lập pháp, nhân viên chính phủ và cả những người mà ông tự bổ nhiệm. Mục tiêu của ông là mở rộng quyền kiểm soát của tổng thống đối với chính phủ, tập trung quyền lực vào Nhà Trắng.
Cuộc tấn công vào “chính phủ ngầm” của Trump chủ yếu sẽ dựa trên việc khôi phục “Kế hoạch F” - một sắc lệnh hành pháp thời Trump. Lệnh này tìm cách phân loại lại hàng chục ngàn nhân viên liên bang vào diện “tuyển dụng tùy ý”, dễ bị sa thải hơn. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã thu hồi lệnh này, nhưng Trump và các ứng viên khác tuyên bố sẽ khôi phục lại nếu đắc cử.
Theo AP, nhiều chuyên gia cho rằng “Kế hoạch F” sẽ làm suy yếu hệ thống dịch vụ dân sự, vốn được cải cách từ thời Tổng thống Jimmy Carter nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp và xóa bỏ thành kiến chính trị. Hiện nay, khoảng 4.000 nhân viên liên bang là các vị trí bổ nhiệm chính trị có thể bị thay thế khi có sự chuyển giao chính quyền, nhưng “Kế hoạch F” có thể khiến hàng chục ngàn nhân viên trong các lĩnh vực chuyên môn bị đe dọa.
Ngoài ra, Trump còn dự kiến giảm thiểu quyền lực của “chính phủ ngầm” bằng cách cắt giảm các bộ phận không cần thiết thông qua một “Hội đồng Hiệu quả” do Elon Musk đứng đầu.
Chương trình nghị sự 47 mục của Trump
Chương trình nghị sự của Trump bao gồm 47 mục, là tập hợp các đề xuất chính sách để tái tranh cử. Trong đó, việc chống lại “chính phủ ngầm” được đưa ra như một trong những trọng điểm. Trang web chiến dịch của Trump cho biết: “Trump đã công bố một kế hoạch táo bạo để chống tham nhũng trong chính phủ và trao lại quyền lực cho người dân Mỹ, thông qua việc thanh lọc chính phủ ngầm và sa thải những quan chức không đủ năng lực.”
Dưới đây là một số điểm chính trong chương trình nghị sự của ông:
- Khôi phục sắc lệnh hành pháp năm 2020 để trao lại quyền tổng thống trong việc sa thải quan chức kém hiệu quả.
- Cải cách các cơ quan tình báo và an ninh quốc gia nhằm loại bỏ các phần tử tham nhũng.
- Tổ chức lại Tòa án FISA để ngăn chặn tình trạng tham nhũng.
- Thành lập Ủy ban Sự thật và Hòa giải để giải mật các tài liệu liên quan đến “chính phủ ngầm”.
- Kiểm soát các rò rỉ thông tin chính phủ và truy tố khi cần thiết.
- Đảm bảo văn phòng thanh tra độc lập và tránh bị ảnh hưởng bởi “chính phủ ngầm”.
- Thiết lập hệ thống kiểm toán để ngăn chặn sự can thiệp của các cơ quan tình báo.
- Chuyển các chức năng của các bộ liên bang ra khỏi Washington, như trường hợp của Cục Quản lý Đất đai tại Colorado.
- Cấm các quan chức liên bang làm việc cho các công ty mà họ từng quản lý, đặc biệt là trong ngành Big Pharma.
- Thúc đẩy sửa đổi hiến pháp để giới hạn nhiệm kỳ của các thành viên Quốc hội.
Theo chiến dịch của Trump, tỷ lệ sa thải nhân viên liên bang hiện nay chưa đến 1/1.000 mỗi thập kỷ. Hạn chế nhiệm kỳ các thành viên Quốc hội cũng được kỳ vọng sẽ giúp ngăn chặn sự trỗi dậy của tầng lớp “chính trị gia chuyên nghiệp”.