Sáng ngày 4 tháng 10, RIT đưa tin Hoa Kỳ đang thảo luận về khả năng Israel sẽ tấn công các địa điểm dầu mỏ của Iran khi nước này thúc đẩy chiến dịch ở Libăng. Điều này khiến thế giới lo lắng, vì nhiều người nhớ lại cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Trung Quốc, một quốc gia phụ thuộc lớn vào dầu từ Iran, sẽ đối mặt với nhiều hệ lụy nghiêm trọng nếu căng thẳng giữa Israel và Iran leo thang. Nếu Israel tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Iran, nguồn cung này sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc.
Quay lại lịch sử, cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 xảy ra khi các nước OPEC, chủ yếu là các quốc gia Ả Rập, quyết định cấm vận dầu mỏ đối với Mỹ và các nước phương Tây nhằm trả đũa sự hỗ trợ của họ cho Israel trong cuộc chiến Yom Kippur. Cuộc chiến bắt đầu vào tháng 10 năm 1973 khi liên quân Ai Cập và Syria tấn công Israel để giành lại các vùng lãnh thổ bị mất trong chiến tranh sáu ngày năm 1967. Khi đó, Mỹ và các nước phương Tây cung cấp viện trợ quân sự và tài chính cho Israel, khiến OPEC sử dụng dầu mỏ như vũ khí chính trị.
Ngày 17 tháng 10 năm 1973, OPEC tuyên bố cấm vận dầu mỏ đối với Mỹ và một số quốc gia phương Tây. Hành động này đã gây ra tình trạng thiếu hụt dầu toàn cầu, đẩy giá dầu tăng từ khoảng 3 USD/thùng lên tới 12 USD/thùng vào cuối năm 1973. Tác động của khủng hoảng này khiến các nền kinh tế phương Tây đối mặt với suy thoái, lạm phát, và sự phụ thuộc nặng nề vào dầu nhập khẩu. Các nước bắt đầu tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ từ Trung Đông, phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân.
Ngày nay, tình hình giữa Iran và Israel có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng tương tự. Iran là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu lớn của thế giới. Nếu Israel tấn công các cơ sở dầu mỏ của Iran, giá dầu trên thị trường quốc tế sẽ tăng vọt, gây ra lạm phát toàn cầu và khó khăn kinh tế ở nhiều quốc gia. Iran, để trả đũa, có thể tấn công Israel trực tiếp hoặc sử dụng lực lượng đồng minh như Hezbollah tại Libăng để trả đũa. Một nguy cơ lớn khác là Iran có thể đóng cửa eo biển Hormuz, nơi vận chuyển khoảng 20% lượng dầu của thế giới, gây gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung dầu từ Trung Đông.
Trung Quốc sẽ là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất nếu căng thẳng leo thang, bởi Trung Quốc hiện là khách hàng lớn mua dầu của Iran. Sau lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran khôi phục sản xuất dầu lên mức 3,4 triệu thùng/ngày, trong đó 1,5-1,7 triệu thùng được xuất khẩu mỗi ngày. Năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu dầu thô từ Iran trị giá 56,63 triệu USD. Đến nửa đầu năm 2024, lượng dầu Trung Quốc nhập khẩu từ Iran đã tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu nguồn cung này bị gián đoạn, Trung Quốc sẽ phải tìm nguồn thay thế từ Nga, Ả Rập Saudi, hoặc các nước Trung Á, khiến chi phí nhập khẩu tăng cao.
Việc phụ thuộc quá mức vào dầu từ Iran khiến Trung Quốc dễ tổn thương khi giá dầu quốc tế leo thang. Nga, với hệ thống đường ống trực tiếp tới Trung Quốc, có thể cung cấp dầu với chi phí thấp hơn, nhưng điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh sẽ phải phụ thuộc vào Moscow nhiều hơn, làm lệch cán cân đàm phán về phía Nga.
Ở Mỹ, giá dầu tăng sẽ tạo áp lực lớn lên chính quyền Biden. Khi giá dầu leo thang, chi phí vận chuyển và sản xuất tăng, đẩy lạm phát lên cao, gây khó khăn cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến chi tiêu cá nhân. Nếu giá xăng dầu tại các trạm xăng Mỹ tăng cao trước kỳ bầu cử, Đảng Dân chủ sẽ đối mặt với áp lực lớn từ phía cử tri. Thêm vào đó, cộng đồng Do Thái tại Mỹ, dù chỉ chiếm khoảng 2% dân số, nhưng có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả bầu cử ở các bang như Florida và New York, có thể sẽ rút lại sự ủng hộ nếu chính quyền Biden không bảo vệ được Israel trước các mối đe dọa từ Iran.
Chính quyền Biden có thể sẽ tìm cách ngăn chặn Israel tấn công Iran để tránh leo thang căng thẳng. Điều này không chỉ là vì lợi ích an ninh quốc tế mà còn vì lợi ích chính trị nội bộ trước thềm bầu cử tổng thống.