Truy vết Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC, lần này khó thoát!


Từng thuộc top 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, hay còn gọi là Madam Nhàn, có thời điểm là cái tên bảo chứng cho năng lực trúng thầu các gói thầu liên quan đến cung cấp thiết bị dạy học và trang thiết bị y tế ở nhiều bệnh viện. Madam Nhàn nổi tiếng trong giới thầu khi đã nhắm vào gói thầu nào thì dù cách thức đấu thầu ra sao, công ty của bà luôn thắng thầu. Tuy nhiên, đằng sau hào quang chói sáng của Madam Nhàn là những âm mưu, những móc nối, những khoản lót tay khổng lồ và những quan chức nhận hối lộ như thói quen. Một tay Madam Nhàn đẩy hàng loạt cán bộ từ trung ương đến địa phương vào phòng lao lý, thậm chí dính dáng cả với trùm cuối trong đại án Việt Á. Trong khi đó, bản thân Madam Nhàn đã cao chạy xa bay suốt nhiều năm qua, trốn chạy khỏi bản án 30 năm tù cùng với khoản bồi thường 103 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay lúc này, nhà chức trách đang ráo riết kêu gọi Madam Nhàn đầu thú. Đây có phải là dấu hiệu Madam Nhàn cuối cùng cũng sẽ phải trả giá cho tội lỗi của mình hay không? Madam Nhàn sẽ tự nộp mình hay sẽ lại có một Trịnh Xuân Thanh thứ hai, từng khiến nước Đức chấn động?

Tôi là Cộng, và đây là hành trình không thể tin được của bà trùm đấu thầu Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Nguyễn Thị Thanh Nhàn sinh năm 1969, thành thạo bốn ngoại ngữ, từng được Viện Hàn lâm Quốc tế về các Nghiên cứu Hệ thống Liên bang Nga trao tặng danh hiệu Viện sĩ có thành tích xuất sắc nhất giai đoạn 2004 đến 2014 và phần thưởng Ngôi sao Vàng. Madam Nhàn là người phụ nữ đầu tiên của cả châu Á được trao tặng danh hiệu danh giá này. Bà ta nổi lên như là một đại gia, xây dựng nên một đế chế, một hệ sinh thái AIC gồm 29 công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ y tế, giáo dục, chuyển đổi số, tài nguyên và môi trường. AIC Group đã trúng hàng loạt gói thầu lớn, quy mô lên đến hàng trăm tỷ đồng tại nhiều địa phương trong cả nước. Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc AIC, danh tiếng của Madam Nhàn cũng nổi lên như cồn với biệt danh “bàn tay vàng trong làng đấu thầu”, thầu đâu trúng đó.

Dữ liệu từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy AIC đã trúng thầu hàng loạt dự án đầu tư công. Chúng ta hãy thử điểm danh một vài gói thầu tiêu biểu: cung cấp, lắp đặt hệ thống thiết bị tiền kỳ, hậu kỳ, thiết bị trường quay tọa đảm thuộc dự án giải pháp tổng thể nâng cấp kênh truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam VOV TV từ tiêu chuẩn SD lên HD với giá trúng thầu là 91 tỷ đồng; một loạt gói thầu hàng trăm tỷ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có gói thầu số 6 cung cấp, lắp đặt thiết bị cho toàn bộ dự án xây dựng ba trạm quan trắc nước mặt tự động tỉnh Bạc Liêu với giá trúng thầu là 39 tỷ đồng. Khủng hơn là gói thầu mua sắm thiết bị trạm quan trắc thuộc dự án nâng cao năng lực Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh với giá trúng thầu là hơn 157 tỷ đồng. AIC cũng được đồn là nhà đầu tư đứng sau Đề án 123 đưa sách giáo khoa và máy tính bảng vào các trường tiểu học công lập của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, nhằm mở đường cho gói cung cấp thiết bị giáo dục lên đến nhiều nghìn tỷ đồng, từng gây xôn xao dư luận cách đây nhiều năm.

Trong lĩnh vực bất động sản, AIC là ông lớn với nhiều dự án quy mô lên đến 3000 ha, ghi nhận tăng trưởng nhanh chóng trong doanh thu và lợi nhuận, nhất là giai đoạn 2016 đến 2018, trở thành một trong 500 công ty lớn nhất cả nước. Đến tháng 9 năm 2020, vốn điều lệ của AIC đã lên đến 1350 tỷ đồng, trong đó riêng Madam Nhàn đã góp hơn 765 tỷ đồng, tức là bà ta chi phối tới 57% vốn điều lệ của AIC. Ở đỉnh cao quyền lực, tiền bạc và danh vọng, sự ưu ái đối với AIC cũng được Bộ Công an làm sáng tỏ khi điều tra các dự án mà công ty này trúng thầu. Điều này đưa chúng ta đến với địa chỉ đầu tiên là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Vào năm 2006, Thủ tướng Chính phủ giao cho bệnh viện này làm chủ đầu tư dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. Dự án khởi công cuối năm 2008, nhưng rất lâu từ trước đó, tận năm 2003, Madam Nhàn đã tiếp cận với Trần Đình Thành, khi đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Sau khi ông Thành lên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Nhàn vẫn tiếp tục duy trì quan hệ với ông này. Ví dụ, khoảng cuối năm 2010, ông Thành ra Hà Nội tham dự một hội nghị toàn quốc và được Nhàn chủ động gọi điện mời đến công ty của Nhàn chơi. Cuối buổi, Nhàn đưa cho ông Thành một gói giấy và nói rằng: "Em có chút quà gửi anh". Khi về phòng nghỉ, ông Thành mở gói quà ra thì thấy bên trong có một ít bánh kẹo, thực phẩm chức năng và một bịch nilông đựng hai cặp tiền mệnh giá 500.000 đồng, buộc bằng dây thun, tổng cộng là 1 tỷ đồng. Tiếp đến, vào đầu tháng 9 năm 2011, ông Thành ra Hà Nội, Nhàn lại gọi điện xin gặp và đưa cho ông Thành gói quà trong đó có 1 tỷ đồng. Khoảng năm 2012, Nhàn tới phòng tiếp khách của ông Thành tại trụ sở Tỉnh ủy Đồng Nai, mang theo một giỏ sách đựng 2 tỷ đồng. Cũng trong năm 2012, khi ông Thành đi công tác tại Hà Nội, đã đến trụ sở AIC chơi và Nhàn nói: "Em có 5 tỷ đồng gửi cho anh". Tổng số tiền 14,5 tỷ đồng nhận từ Nhàn, ông Thành khai đã đưa phần lớn cho vợ gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản.

Tương tự, Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng đã hối lộ cựu Chủ tịch tỉnh Đồng Nai là Đinh Quốc Thái 14 tỷ đồng và cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai là Phan Huy Anh Vũ 14 tỷ đồng. Đinh Quốc Thái khai đã dùng số tiền trên để đưa cho vợ đóng học phí cho hai con gái đang du học ở Mỹ từ năm 2016 đến nay, phần còn lại thì sử dụng cho chi phí gia đình. Với sự đỡ đầu của Bí thư Tỉnh ủy, trước khi tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Nhàn đã nhờ Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ và Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, tạo điều kiện cho AIC tham gia đấu thầu và trúng thầu dù không đủ năng lực tài chính. Tuy nhiên, AIC đã điều chỉnh báo cáo tài chính, làm sai lệch hồ sơ để gian lận đấu thầu và trúng 16 gói thầu trang thiết bị y tế xây lắp trị giá hơn 665 tỷ đồng. Nhờ đó mà chỉ riêng vụ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Madam Nhàn đã bỏ túi hơn 148 tỷ đồng. Ngoài ra, sau khi trúng thầu, Nhàn còn ký các phụ lục điều chỉnh mức phạt hợp đồng, điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng để mà AIC bòn rút thêm 3 tỷ đồng, tổng cộng Madam Nhàn gây thiệt hại cho nhà nước gần 152 tỷ đồng.

Khi chuyện làm ăn phi pháp bắt đầu bị bại lộ, Madam Nhàn yêu cầu nhân viên lãnh đạo chủ chốt của AIC tìm cách xuất cảnh khỏi Việt Nam, tiêu hủy tài liệu chứng cứ. Bản thân bà trùm cũng đã bỏ trốn cùng với bảy nhân viên khác đang bị truy nã. Việc tiêu hủy tài liệu chứng cứ gây không ít khó khăn cho cơ quan điều tra, thế nhưng gần như cơ quan điều tra đã khôi phục được thông qua lời khai của các bị can liên quan. Khi khám xét trụ

sở AIC, công an đã choáng ngợp vì hệ thống két sắt được trang bị dày đặc trong phòng làm việc của tất cả các phòng ban, được trang bị cho tất cả các nhân viên tại công ty. Bên cạnh đó, tại trụ sở công ty còn có một kho sản phẩm thuộc hàng xa xỉ phẩm chưa bóc tem được cất giữ, đây là kho hàng để Madam Nhàn đem quà đi ngoại giao. Ngoài ra, Madam Nhàn còn thành lập ban thư ký tài chính. Bộ phận này nhận tiền từ các công ty hợp tác chuyển về do ký các hợp đồng mua bán hàng hóa để nâng giá trị. Tổng số tiền chuyển vào năm tài khoản tại ba ngân hàng của Ban này lên đến 495 tỷ đồng. Mọi thu chi của ban không hoạch toán vào phần mềm kế toán của AIC. Số tiền mà Madam Nhàn mang đi hối lộ quan chức đều lấy từ quỹ của ban này mà ra.

Cho tới nay, dù Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã bỏ trốn trước khi bị khởi tố, nhưng cơ quan điều tra đã kịp thời phong tỏa hơn 100 tỷ đồng trong tài khoản của AIC, kê biên nhiều biệt thự, nhà đất đứng tên của Nhàn và người thân nhằm bảo đảm thi hành án. Trong số này đã kê biên cùng lúc sáu căn hộ tại khu chung cư cao cấp Pacific Place trên đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Ngoài ra, còn có biệt thự 453m² số 21 đường Nguyễn Huy Tự, biệt thự rộng 357m² số 99 Trần Hưng Đạo hoặc là thửa đất hơn 4000m² thuộc dự án đấu thầu quyền sử dụng đất phường Xuân Đỉnh. Ngoài vụ án ở Đồng Nai, Madam Nhàn còn dính vào vụ án vi phạm đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh. Cựu Chủ tịch công ty AIC cùng với hàng loạt các cựu nhân viên Sở Y tế bị khởi tố do có hành vi thông đồng, nâng giá giá trị thiết bị y tế, gây thiệt hại ngân sách hàng chục tỷ đồng. Thứ ba là vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ban Quản lý Dự án Công trình Xây dựng Y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh. Thứ tư là một vụ án rất đặc biệt vì có cả vai trò của Phan Quốc Việt, trùm cuối trong đại án Việt Á, đó là vụ vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng ở Trung tâm Công nghệ Sinh học Thành phố Hồ Chí Minh. Vẫn là thủ đoạn cũ, AIC và công ty MOA thuộc hệ sinh thái của AIC đã trúng sáu gói thầu và các công ty do AIC chỉ định gồm có công ty Gene Việt, công ty Việt Á, công ty VMX trúng ba gói thầu. Đầu năm 2015, Phan Quốc Việt biết công ty AIC đã đồng ý cho công ty Gene Việt có 10% vốn góp vào của Việt Á liên danh thực hiện ba gói thầu. Do công ty Gene Việt mới thành lập chưa đủ năng lực, công ty này giao Việt Á đứng tên liên danh với công ty AIC và thực hiện các thủ tục thay công ty Gene Việt. Vì thế, Việt Á đã yêu cầu cấp dưới chỉnh sửa hồ sơ để đảm bảo liên danh đủ điều kiện AIC, Việt Á trúng thầu, tránh hủy thầu. Sau khi trúng thầu, Việt Á đã liên hệ với các nhà đầu tư cung cấp mua thiết bị rồi bán lại cho công ty Gene Việt và công ty MOA theo đúng giá mua để hai đơn vị này bán cho AIC và VMX trước khi bàn giao cho Trung tâm Công nghệ Sinh học. Theo kết luận điều tra, công ty Việt Á không được hưởng lợi gì từ dự án trên, Phan Quốc Việt cũng không bị xử lý hình sự.

Gần đây nhất, công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận. Cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu tội phạm trong ba gói mua sắm trang thiết bị trường học trị giá hơn 27 tỷ đồng, và cái tên bị réo gọi chính là AIC. Có khả năng đây sẽ là vụ án thứ năm chờ Madam Nhàn trả lời trước pháp luật. Với thành tích đấu thầu bách phát bách trúng, còn có bao nhiêu vụ án gọi tên AIC nữa đây? Trong khi đó, phiên tòa sơ thẩm vụ án Trung tâm Công nghệ Sinh học Thành phố Hồ Chí Minh được mở vào ngày 10 tháng 7 này. Đó là lý do Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi Madam Nhàn đầu thú. Tuy nhiên, đến giờ phút này, có lẽ đây sẽ là phiên tòa thứ ba Madam Nhàn bị xét xử vắng mặt. Nhưng với sự quyết tâm của lực lượng chức năng Việt Nam, liệu Madam Nhàn có thể tiếp tục trốn tránh đến bao giờ? Một điều trùng hợp là Madam Nhàn được đồn đoán là đang lẩn trốn ở cùng một địa chỉ với Trịnh Xuân Thanh ngày xưa tại Đức. Liệu có một Trịnh Xuân Thanh thứ hai hay không? Chúng ta hãy cùng chờ xem.

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Previous Post Next Post

نموذج الاتصال