Người phụ nữ gốc Việt đầu tiên trở thành vị tướng trong Quân đội Mỹ, Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước có sức mạnh quân sự đứng đầu thế giới; thế nhưng ít ai biết rằng, góp mặt trong hàng tướng lĩnh chỉ huy đội quân hùng mạnh ấy lại có người phụ nữ gốc Việt từng chỉ là dân tị nạn chân ướt chân ráo tha hương nơi xứ người. Điều gì đã làm nên những con người đặc biệt ấy?
Vũ Thế Thùy Anh ra đời đúng vào năm Mậu Thân, năm 1968, giữa cơn lửa bỏng chiến tranh ở Việt Nam. Cô là con gái của cụ Đại úy hải quân Việt Nam Cộng hòa Vũ Thế Hiệp. Năm 1975, sau khi Sài Gòn thất thủ, Thùy Anh mới lên 7 tuổi, đã phải cùng gia đình sang Mỹ tị nạn. May mắn ở trên đất Mỹ, ba mẹ cô luôn săn sóc, khích lệ các con trên con đường học vấn. Bởi thế, bốn người con đều thành đạt và trở thành niềm tự hào của bố mẹ.
Ở bậc trung học, Thùy Anh là một học sinh xuất sắc. Sau đó, cô theo học ngành dược ở trường Đại học Maryland và tốt nghiệp vào năm 1994. Sau khi ra trường, cô làm việc cho Đại học Johns Hopkins một thời gian. Có lẽ, chính nhờ sự thông minh, chăm chỉ, tinh thần cống hiến cộng với sự may mắn của mình mà con đường thành công của cô không mấy gặp trắc trở.
Là chị cả, cô có ba người em trai; họ đều rất tài giỏi và thành đạt trên đất Mỹ, không thua kém gì cô. Tất cả họ hiện nay đều là bác sĩ: đó là Vũ Thế Duy Anh, bác sĩ quang tuyến; Vũ Thế Tuấn Anh, bác sĩ cấp cứu và Vũ Thế Quốc Anh, bác sĩ nhãn khoa. Nhưng chỉ mỗi mình Thùy Anh là người duy nhất theo chân bố chọn con đường binh nghiệp.
Cơ duyên đến với quân đội Mỹ năm 2003. Vì lý tưởng thích đi xa để phục vụ, giúp đỡ nhiều người, nên Thùy Anh quyết định nối nghiệp cha, vào phục vụ quân đội. Năm đó, cô chính thức gia nhập dịch vụ y tế cộng đồng Mỹ (PHS), trở thành sĩ quan y tế trong binh chủng Hải quân Hoa Kỳ. Tuy là một bộ phận y tế, nhưng PHS được tổ chức giống như quân đội vì nguồn gốc là các bệnh viện của hải quân Mỹ từ cuối thế kỷ 18, do Tổng thống John Adams khởi xướng. Ra đời từ năm 1798, PHS được quân đội hóa với một chuỗi các bệnh viện hải quân đặt tại các thành phố cảng quan trọng như Boston, Charleston, New Orleans để kiểm soát dịch bệnh thâm nhập vào nước Mỹ. Các thành viên của PHS là những nhà chuyên môn trong các ngành y tế như bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, y tá. Họ được huấn luyện để trở thành sĩ quan phục vụ cho cộng đồng khi có thiên tai, bão lụt hay bệnh dịch. Họ sẽ cách ly và kiểm soát bệnh truyền nhiễm trước khi nó bùng nổ và phát tán ra khắp cả nước.
Cô Thùy Anh đã liên tục làm việc chăm chỉ trong suốt 12 năm cống hiến cho PHS, cho cộng đồng. Cô cũng gặp nhiều khó khăn trong suốt quá trình phục vụ cho y tế cộng đồng, cứu giúp những bệnh nhân gặp các bệnh hiểm nghèo. Cũng như bao người mang cấp bậc sĩ quan, nhưng lãnh trọng trách với tư cách một bác sĩ thực thụ, cô luôn cố gắng hết mình cứu chữa cho các bệnh nhân. Cô cũng như các em của cô đều mang cho mình một trách nhiệm trên vai, trở thành người lương y hết lòng vì những người cần cứu giúp. Chỉ có điều cô khác với các em của mình là phục vụ trong quân đội.
Thành tựu phi thường với sự nỗ lực hết mình trong công tác, sau 12 năm phục vụ trong quân đội, Thùy Anh được thăng cấp đại tá vào năm 2015. Trong buổi tiệc chúc mừng, cô bày tỏ lòng cảm ơn với bố mẹ đã nuôi nấng, dạy dỗ các con nên người. Bố mẹ luôn nhắc nhở các con sống cho xứng đáng là người Việt Nam. Cô đã noi theo gương bố gia nhập vào Hải quân Hoa Kỳ để có được ngày vui hôm nay. Cô cũng cảm ơn người chồng đã hết lòng hỗ trợ, thay thế cô chăm sóc con trong lúc cô phải đi xa vì công vụ.
Cứ như thế, cùng với sự thăng tiến trong công việc cũng như tài lãnh đạo được nhiều người biết đến, Thùy Anh liên tục được thăng cấp trong sự nghiệp của mình. Đỉnh điểm là đến tháng 6 năm 2019, Thùy Anh được thăng cấp phó đề đốc hải quân, tương đương cấp chuẩn tướng của bộ binh. Được biết, các điều kiện để được phong cấp chuẩn tướng trong Quân đội Mỹ rất khắt khe. Trước hết, phải mang cấp đại tá được 3 năm; sau đó, phải là chỉ huy trưởng xuất sắc. Tiến trình sau đó còn phải được hội đồng thăng cấp chọn lọc, tư lệnh quân chủng đề nghị lên bộ trưởng quốc phòng, Thượng viện xét duyệt, Tổng thống quyết định bổ nhiệm. Thường chỉ có 3 phần trăm các đại tá được đề nghị trở thành chuẩn tướng.
Thùy Anh là người phụ nữ gốc Việt đầu tiên được phong cấp tướng trong Hải quân Mỹ. Cô đã đem lại niềm hãnh diện không chỉ cho gia đình mình mà cho cả cộng đồng người Việt hải ngoại. Ngoài Vũ Thế Thùy Anh, còn một nữ tướng gốc Việt nữa trong quân đội Mỹ là minh chứng cho sự cống hiến tận tâm và ý chí kiên cường. Đó chính là người được phong cấp tướng cùng năm với Thùy Anh. Cô đã trở thành một hình mẫu truyền cảm hứng cho những người Mỹ gốc Á khác gia nhập quân ngũ.
Từ dân tị nạn trở thành nữ tướng trong Quân đội Mỹ, Jennifer Ngo, có tên Việt Nam là Ngô Như Nguyện, được biết đến là sĩ quan điều hành của Tổng thanh tra lục quân Hoa Kỳ. Tất cả phải kể đến công lao to lớn của mẹ cô, bà Thái An. Thời đó, gia đình bà Thái An vốn có nhà cửa ở Sài Gòn nhưng vì chiến tranh nên phải sang Mỹ tị nạn. Cha cô là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa, thời chiến ông bị quân đội bắt giữ, đến nay vẫn không rõ tung tích. Khi rời Sài Gòn, Như Nguyện chỉ mới ba tuổi, còn em gái cô khoảng 1 tuổi.
Lúc mới sang Mỹ, gia đình cô tương đối gặp khó khăn cả về tài chính lẫn sự nghiệp, bởi lẽ khi đó có nhiều người khá ái ngại trong chuyện tiếp nhận người Việt tị nạn. Thế nhưng, để có thể vượt qua, bà mẹ trẻ Thái An khi ấy đã đăng ký học đại học với hy vọng đời sống của hai con gái Như Nguyện và Lệ Đình trở nên tốt đẹp hơn. Với nguồn động lực to lớn là hai đứa con nhỏ, bà vừa học vừa làm công việc chăm sóc người già để có tiền trang trải học phí và nuôi gia đình. Cuối cùng, với tất cả cố gắng, bà đã tốt nghiệp bằng cử nhân và thạc sĩ, sau đó xin việc làm quản thủ thư viện. Chính những cố gắng của bà đã làm tấm gương sáng cho chị em Như Nguyện thành quân nhân mẫu mực.
Đã gần 50 năm kể từ khi cả nhà Như Nguyện rời Sài Gòn. Khi mới sang Mỹ, gia đình cô sống trong khu nhà do nhà nước bảo trợ trong 8 năm. Khi Như Nguyện lên lớp 7, gia đình cô chuyển đến vùng ngoại ô Hingham, cạnh theo Vịnh Massachusetts. Vì mẹ phải đi làm thường không thể ở nhà, Như Nguyện đã phải vừa học vừa tự chăm sóc bản thân và em gái. Tất cả điều ấy đã tạo nên một Như Nguyện trách nhiệm, thích dẫn dắt và có tổ chức, làm tiền đề cho công việc của cô sau này.
Như Nguyện trân trọng cuộc sống của cô ở Mỹ đến nỗi năm 17 tuổi, cô quyết định sẽ vào quân ngũ để trả món nợ mà mình mang ơn. Cô nói: "Tôi muốn đền đáp một thứ gì đó cho nước Mỹ. Đó là quê hương của tôi bây giờ". Lúc đầu, mẹ cô phản đối; bà không muốn mạo hiểm cho con cái lớn đi tham chiến, bà muốn Như Nguyện vào đại học. Nhưng Như Nguyện quyết tâm nhập ngũ và hứa với mẹ rằng cô sẽ sử dụng những ưu đãi về giáo dục để đi học lại sau thời gian tại ngũ.
Với hy vọng là bác sĩ, cô đã nhập ngũ để làm kỹ thuật viên phòng phẫu thuật vào năm 1989. Như đã hứa với mẹ, cô rời quân ngũ để theo học tại Đại học Massachusetts ở Boston vào cuối năm 1991 với học bổng học cử nhân tài chính. Sau khi tốt nghiệp đại học, Như Nguyện được biên chế làm sĩ quan công minh vào năm 1998. Cô đến Bosnia ở Trung Âu với tư cách một sĩ quan điều hành đại đội vào hồi năm 2001. Trước vụ khủng bố ngày 11 tháng 9, Như Nguyện đã trở thành nữ đại đội trưởng đầu tiên trong tiểu đoàn công minh, trực tiếp được phân về một lữ đoàn chiến đấu.
Mười tám tháng sau khi tòa tháp đôi sụp đổ tại New York, cô được điều đến Iraq. Vì trong đơn vị toàn là đàn ông, Như Nguyện đã gặp phải nhiều thách thức. Nhưng điều này đã thúc đẩy cô huấn luyện nhiều hơn, giữ vững tinh thần nhưng vẫn luôn khiêm tốn. Đó là những từ ngữ khi người ta nhắc đến cô. Chiến đấu gian khổ, cô đã trải qua 6 tháng đầu tiên làm sĩ quan hậu cần của lữ đoàn, giúp trang bị cho một lữ đoàn chiến đấu để nó có thể di chuyển từ Kuwait đến Tikrit, Iraq. Chiều dài của đoàn xe kéo dài hơn 800 km. Đơn vị của cô thường phải ứng biến vì quân đội Mỹ chưa thiết lập bất kỳ cơ sở nào và phải chiến đấu trong điều kiện khắc nghiệt. Họ phải làm vòi tắm giả chiến và đào hố để đốt lửa. Ban ngày, cô phải chịu cái nóng oi bức trong khi luôn cảnh giác trước hỏa lực của quân thù. Các quan chức Mỹ sau đó đã ghi nhận công lao của đơn vị của cô: Trung đoàn 4 bộ binh là một trong những đơn vị đã giúp bắt được Saddam Hussein.
Như Nguyện tiếp tục được điều đến Afghanistan để chỉ huy một tiểu đoàn công binh và làm trợ lý quân sự cho chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO. Năm 2015, Như Nguyện được thăng chức đại tá trong binh chủng công binh của lục quân Hoa Kỳ. Sau đó, cô trở thành tư lệnh Lữ đoàn Công binh 130 tại Fort Shafter, Hawaii, đơn vị công binh lục quân hàng đầu tại Thái Bình Dương. Tháng 6 năm 2019, Như Nguyện được thăng cấp chuẩn tướng cùng với Vũ Thế Thùy Anh, trở thành hai người phụ nữ gốc Việt đầu tiên được phong cấp tướng trong quân đội Mỹ. Sau đó, cô trở thành sĩ quan điều hành của Tổng thanh tra quân đội Mỹ ở thủ đô Washington DC.
Sau này, cô kết hôn và có ba người con. Cô dạy con mình theo những giá trị đã học được trong suốt cuộc đời, cũng như noi theo mẹ và ông nội của mình. Sau gần 50 năm làn sóng người Việt tị nạn ập đến Mỹ, những gương thành công nơi xứ người của đồng bào Việt Nam đã khiến nhiều người biết đến, không khỏi ngã mũ thán phục.